Hoài Niệm Một Sài Gòn.

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015


Hôm nay cơn mưa chướng mùa tháng tư , mưa trắng xóa cả bầu trời, phần nào hạ nhiệt cái nóng gay gắt . Nhìn mọi người tất bật trên phố xá, làm tôi xôn xao  , chợt nghĩ về những kỷ niệm xưa . . .thôi thì tạm quẳng gánh lo toan cơm áo gạo tiền . . .  một chút hoài niệm về một Sài Gòn, nơi tôi sinh ra và lớn lên – mảnh đất một thời được mệnh danh là “ Hòn Ngọc Viễn Đông”, tôi đã và đang chứng kiến một Sài Gòn “ thay da đổi thịt”, với bao sự thăng trầm, những niềm vui , nỗi buồn trong tôi.

Ấy thế mà đã 40 năm rồi đấy . . .

Sài Gòn với cái tên gọi thân thương, luôn mãi là một thành phố năng động, là nơi hiếu khách, luôn thu hút mọi người từ các nơi về hội tụ sinh sống và làm việc . . .Và 40 năm qua, Sài Gòn đã phát triển một cách nhanh chóng, đôi khi tôi cảm thấy mình không theo kịp thời đại.

Một Sài Gòn với nhiều tòa nhà cao ngất ngưỡng như muốn chọt thủng bầu trời. Những ánh đèn rực rở hào nhoáng về đêm gần như làm tôi chóa mắt có lúc không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả , . . . đâu là gái hay đâu là trai, tôi như trong mơ ấy.

Những hàng cây xanh, bóng mát 2 bên đường như đường Duy Tân . . . giờ chỉ còn trong ký ức    . . .  không che chắn nổi cái nắng trưa hè như muốn thiêu đốt mọi thứ. Con đường Hồng Thập Tự ( nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), hàng ngày tôi đi qua.
Rồi những cơn mưa trái mùa, đường bổng hóa thành sông. Có những lúc tôi thèm được đi bộ trên những con đường có bóng mát, nhưng có đường đâu mà đi, vỉa hè bị chiếm dụng, đi lên còn bị chửi , thậm chí đèn đỏ mà dừng lại cho là bị khùng.

Tôi có cảm giác xã hội càng phát triển thì đạo đức nhân cách con người càng phát triển theo tỷ lệ nghịch.

Con giết cha mẹ, anh em tàn sát lẫn nhau vì tiền. Học trò đánh thầy cô, thầy cô chèn ép học trò    , con người lường gạt lẫn nhau  chỉ vì miếng cơm manh áo . . .
Ô dĩ nhiên, đây chỉ là mặt trái của sự phát triển của một xã hội. Không ai có thể phủ nhận một Sài Gòn văn minh, hiện đại ngày nay. Những người Sài gòn như tôi luôn vui sướng vì điều này, chỉ có những người thuộc thế hệ đầu 6X trở về trước mới thấu hiểu .

Nhớ lại khoảng thời gian 1978 – 1983, những người Sài gòn thế hệ tôi, không ai không biết bobo, cơm 80 % khoai, 20 % gạo, ( à giờ món này là cao cấp đấy)
Tôi chẳng biết học thêm là gì . . . có ai dạy thêm đâu mà học, nếu có chúng tôi cũng chả có tiền mà học, ăn để sống và sống được là may lắm rồi . . . nói gì đến chuyện học.

Ấy vậy mà chúng tôi vẫn sống đấy và nhiều người hiện giờ rất thành đạt.
Có một điều mà tôi nhớ mãi, một điều đã giúp tôi có cơ hội vào đời : bước vào cánh cửa đại học

Sinh viên được nhà nước bao cấp toàn bộ, không tiền học phí, gạo 17 kg/1 tháng, nhu yếu phẩm :  đường, thịt . . . thậm chí được nhận hàng tháng 45, 50 đồng ( nam chỉ nhận được 45 đồng thôi, 50 xu chỉ có phụ nữ mới được có) , sự ưu ái này làm sao có được ngày nay.
Rồi cũng một điều làm tôi trăn trở, tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, 40 năm qua rồi, mà chúng tôi, người dân Sài Gòn chưa thoát được đói nghèo, một số người lại sắp cận nghèo, trong khi đó theo đánh giá chuyên viên Quốc tế, nước Việt Nam có tỷ lệ người giàu tắng nhanh đáng kể

Thật là điều nghịch lý trong cuộc sống.
Ôi có lẽ bệnh lẩm cẩm của người già, nói chuyện không đầu không đuôi, nói nhiều nữa , lại còn bị ảnh hưởng nghề nghiệp nữa chứ ( nghề giáo mà, nói để sống ). . . nhưng đó là những suy nghĩ của tôi – người Sài Gòn chính thống. Và những ai đã từng là người Sài Gòn, dù ở bất cứ nơi đâu cũng sẽ nhớ mãi một Sài Gòn thân thương. 
Tôi tin chắc điều này . . .

NH

Related Articles










0 nhận xét:

Đăng nhận xét

NH mến chào bạn, cám ơn sự đóng góp và chia sẻ của bạn.