Experience in learning English.

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013



 Experience in learning English 
 Kinh nghiệm trong việc học tiếng Anh.



Trong năm 2013, hầu như bạn không thể tốt nghiệp bất cứ một trường nào mà không phải hoàn thành môn ngoại ngữ.

Và nếu bạn đang nghĩ đến việc đi du lịch hoặc học tập tại nước ngoài thì việc học ngoại ngữ là yếu tố bắt buộc.
Thật ra để nói được một ngoại ngữ thành thạo, bạn phải mất rất nhiều thời gian và công sức khổ luyện. Thậm chí nếu bạn học hàng ngày, thì cũng phải mất nhiều năm mới có thể làm chủ được một vài ngôn ngữ. Trong lúc đó bạn bắt đầu cảm thấy nản lòng vì sự tiến bộ chậm chạp và thậm chí bạn muốn từ bỏ.

Đừng bao giờ bỏ cuộc!

Có rất nhiều lợi ích gắn liền với việc nói thành thạo một ngôn ngữ thứ hai. Không chỉ là những phần thưởng vô hình, giống như việc bạn có thể giao tiếp với người dân địa phương khi đi du lịch; những phần thưởng về tâm lý và sức khỏe cũng rất có giá trị. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc có khả năng nói được một ngôn ngữ thứ hai khiến bạn trở thành con người đa năng hơn và còn ngăn ngừa được bệnh mất trí nhớ khi về già.
Vì vậy nếu bạn muốn thu được tất cả các lợi ích của việc nói một ngôn ngữ thứ hai, bạn phải thực sự nỗ lực và kết hợp với một số bí quyết để đạt được kết quả cao nhất.

Sau đây là 6 bí quyết giúp đơn giản hóa việc học ngoại ngữ của bạn.
1. Có một từ chủ đạo cho mỗi ngày
Bạn cố gắng học tất cả mọi thứ một lúc bằng việc ghi nhớ một số lượng lớn từ vựng có thể gây nên sự quá tải. Ngay cả nếu bạn đã học những từ mới đó rồi, nhưng sau đó lại quên chúng một cách nhanh chóng, bởi vì bạn vẫn chưa nghe đủ chúng trong các ngữ cảnh hàng ngày.
Có một cách để giải quyết vấn đề này đó là chỉ lưu một số lượng từ mới trong sổ tay từ vựng của bạn và sử dụng chúng trong mọi sinh hoạt hàng ngày nhiều nhất có thể. Một người trưởng thành trung bình phải sử dụng một từ mới khoảng 150 lần thì mới hoàn toàn nhớ rõ nó được, có được một hoặc một nhóm từ chủ đạo trong ngày giúp bạn củng cố vốn từ vựng rất nhiều.
Bạn có thể thực hiện điều này bằng một trong hai cách sau. Cách thứ nhất, bạn có thể lên một danh sách các từ mới mà bạn muốn học và chỉ định một từ trong số đó là từ chủ đạo trong ngày. Hoặc cách thứ hai là, bạn có thể đợi cho một số từ xuất hiện trong các cuộc hội thoại hàng ngày, và sau đó thử sử dụng những từ mới này trong nhiều ngữ cảnh hơn.
2. Hãy nói chuyện bằng ngôn ngữ đó nhiều nhất có thể (đặc biệt là với những người bản xứ)
Phải thừa nhận rằng, cách tốt nhất để học nói một ngoại ngữ là bạn hãy thực sự thực hành nói ngôn ngữ đó. Việc đọc và nghiên cứu các cuốn sách về ngữ pháp sẽ giúp bạn nói được đúng hơn.
Tuy nhiên, chúng ta rất hay có suy nghĩ rằng “Mình chưa đủ trình độ!”, bạn quyết định không nói bởi vì bạn nghĩ rằng kỹ năng nói của mình chưa được tốt. Và vì vậy mà kỹ năng nói của bạn sẽ không bao giờ tốt được lên.
Tôi biết được điều này từ chính kinh nghiệm của bản thân, bởi vì tôi thường từ chối việc nói tiếng Pháp trong trường trung học. Tôi đã rất ngượng ngùng và lo lắng mình sẽ nói sai và vì tôi có một chất giọng rất tồi.
Khi tôi vào học tại trường ngôn ngữ Middlebury, sau năm học đầu tiên tại đây, tôi đã tập trung nỗ lực nói tiếng Pháp hầu như 24/7, tôi có một thành tích khá cao trong lớp bởi vì tôi viết tiếng Pháp tương đối tốt. Phải mất nhiều năm để xây dựng được sự tự tin khi nói, nhưng bây giờ tôi đã kết hôn với một anh chàng người Pháp, và những người bạn Pháp của tôi thường hỏi tôi rằng tôi sinh ra tại vùng nào trên đất Pháp.
Vì vậy hãy cố gắng giao tiếp với những người bản xứ của ngôn ngữ mà bạn đang học. Bạn sẽ học được nhiều hơn trong trong một cuộc nói chuyện ngắn 5 phút với người bản xứ, hơn là bạn sẽ nhận được từ một người mà có 2 năm kinh nghiệm học ngoại ngữ đó. Cố gắng dành 80% thời gian để nói chuyện với những người nói ngôn ngữ đó tốt hơn bạn. (Nếu bạn đang theo học một chương trình tại trường Middlebury, đừng từ chối nói chuyện với những sinh viên chưa nói tốt bằng bạn. Bởi vì đây là một phần của mục đích để giúp đỡ những người có kỹ năng nói đang còn ở mức thấp.)
3. Lắng nghe ngoại ngữ trên Radio hoặc TV, thậm chí như là tiếng ồn xung quanh
Một phần của việc học nói ngoại ngữ đúng cách đó là học ngữ điệu và nhịp điệu của các từ. Ví dụ trong tiếng Pháp, bạn không thể tùy tiện đặt trọng âm vào một từ bất kỳ ở trong câu (giống như bạn có thể làm trong tiếng Anh). Và chúng ta có thể dễ dàng phân biệt một sinh viên mới học và một người đã nói thành thạo bằng cách lắng nghe cách phát âm của họ.
Để khắc phục vấn đề này thì bạn phải lắng nghe ngôn ngữ đó một cách nhiều nhất có thể.
Thử lắng nghe nhịp điệu của các từ, cách người ta phát âm những từ đó trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, và ngữ điệu khác nhau như thế nào. Ngôn ngữ đó nghe ra sao khi người nó đang vui mừng, hoặc đang giận dữ hoặc đang hỏi một câu hỏi mang tính chất trách móc?
Thậm chí lắng nghe ngôn ngữ dưới dạng tiếng ồn xung quanh cũng sẽ giúp bạn thu được rất nhiều thông tin và hiểu cái cách mà ngôn ngữ được nói.
4. Tìm nghĩa các từ mà bạn không biết trong một cuốn từ điển đơn ngữ
Tìm ra ý nghĩa của một từ có thể là điều rất khó khăn trong một ngoại ngữ, nhiều khi việc dịch chính xác là điều không thể thực hiện được. Trong khi những từ chỉ các đối tượng vật lý giống như sữa hoặc bàn ghế thì chúng ta có thể dịch dễ dàng, trong khi đó việc dịch các khái niệm thì khó hơn rất nhiều. Dùng công cụ Google Translate không phải luôn luôn đưa ra một ý nghĩa chính xác.
Bằng việc tìm kiếm từ trong từ điển đơn ngữ, bạn có thể chắc chắn rằng từ hoặc cụm từ bạn chọn thực sự đúng nghĩa như là bạn suy nghĩ.
5. Khi bạn mắc sai lầm, ngay lập tức cố gắng sửa sai ngay
Lifehack gần đây có đăng một bài viết có nội dung đại ý rằng, nếu bạn gõ sai một từ bạn nên xóa toàn bộ từ đó trước khi gõ lại nó một cách chính xác, để làm mới lại cách cấu thành từ vựng trong tâm trí của bạn và bạn sẽ không còn mắc lỗi này trong lần tiếp theo.
Điều tương tự cũng đúng trong việc nói ngoại ngữ.
Nếu bạn nói sai và phát hiện ra lỗi, ngay lập tức hãy sửa lại bằng cách lặp lại toàn bộ câu một cách chính xác. Nó sẽ giúp bạn ghi nhớ và tránh việc mắc lại sai lầm giống như vậy nữa, đồng thời củng cố vững chắc quy luật ngữ pháp trong tâm trí của bạn.
6. Luôn mang theo một cuốn sổ tay và ghi vào những từ mới mà bạn học được
Một điều tôi thường làm tại trường Middlebury và trong suốt năm đầu tiên sống ở Pháp là mang theo một cuốn sổ tay nhỏ. Bất kỳ lúc nào mà tôi nghe thấy một từ mà tôi không biết, tôi liền ghi nó vào sổ ( và hỏi người khác cách đánh vần nó, nếu thấy cần thiết).
Sau một vài tuần, tôi đã có một số lượng từ khá dồi dào để xem lại bất cứ khi nào tôi nghĩ “Ồ, mình nhớ đã nghe thấy từ đó gần đây, nhưng mình quên mất nó có nghĩa là gì.” Đó là một ưu tiên quan trọng, tôi đã ghi lại một danh sách tất cả các từ mà tôi cần học.
Nếu bạn đang trong giai đoạn đầu của việc học một ngoại ngữ thì công việc này có vẻ khá vất vả, vì hầu như bạn phải học từ mới suốt ngày. Nhưng một khi bạn đã đạt tới trình độ trung cấp hoặc cao hơn, tốc độ học của bạn sẽ chậm dần xuống. Vào lúc ban đầu, việc học của bạn có vẻ tiến triển dễ dàng bởi vì bạn đang học những thì động từ đơn giản và một danh sách các câu hoặc từ vựng thông dụng mà bạn có thể sử dụng hàng ngày như – “Xin chào!”, “Bạn có khỏe không?”, “Bạn có thể cho tôi mượn cây viết được không?” – và khi bạn vượt qua được giai đoạn này thì việc học ngoại ngữ đột nhiên trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Khi bạn đã ở trình độ cao hơn, việc giữ một danh sách các từ vựng cần học cũng có thể giúp bạn chống lại tình trạng chán nản vì nghĩ rằng mình không học thêm được điều gì mới cả.

Miễn là bạn luôn thực hành sử dụng ngôn ngữ đó, trình độ ngoại ngữ của bạn sẽ luôn tiến triển.
(Sưu tầm)

7 kinh nghiệm học tốt tiếng Anh


Theo ông Tim Hood, Phó giám đốc Hội đồng Anh, học tiếng Anh không nhất thiết chỉ tập trung vào học ngữ pháp và làm bài tập. Cái chính là phải chọn cách học hợp lý, đôi khi những công việc đơn giản hàng ngày cũng giúp ta luyện tập tiếng Anh. Dưới đây là kinh nghiệm sau nhiều năm giảng dạy Anh văn của ông.


1. Thích nói tiếng Anh và thoải mái khi nói

Khi sử dụng tiếng Anh, bạn đừng sợ mắc lỗi. Nếu bạn không mắc lỗi, có nghĩa là bạn không học được gì. Thường thì khi bạn sẽ mắc những lỗi nho nhỏ khi nói tiếng Anh với người nước ngoài. Nhưng điều quan trọng là những gì bạn rút ra sau khi mắc lỗi. Cũng giống như các em bé sẽ không thể tự bước đi được nếu như sợ vấp ngã.

2. Xác định xem bạn thích hợp với cách học nào

Nghiên cứu gần đây cho thấy rất nhiều người có cách học riêng mà mình yêu thích. Nếu bạn là người yêu thích hình ảnh, bạn có thể tạo ra một mối liên hệ giữa tiếng Anh và hình ảnh ví dụ bạn có thể xem phim có phụ đề tiếng Anh, cố gắng hình dung mình đang ở trong ngữ cảnh cần sử dụng tiếng Anh, liên tưởng các từ cần học với các hình ảnh. Nếu bạn là người có sở thích nghe, thì bạn hãy nghe càng nhiều bài hát tiếng Anh càng tốt và xem các phim tiếng Anh. Còn nếu bạn là người có đầu óc phân tích, hãy dành nhiều thời gian để học ngữ pháp và so sánh tiếng Việt với tiếng Anh.

Dĩ nhiên, một người học tiếng Anh tốt sẽ dành thời gian cho tất cả những việc này. Đáng tiếc là trên thế giới, rất nhiều người vẫn bị dạy theo cách truyền thống là chỉ chú trọng vào ngữ pháp và nghe.

3. Học cách ghi nhớ

Bạn có thể luyện trí nhớ của mình qua rất nhiều sách hướng dẫn. Hầu hết tất cả các học sinh giỏi tiếng Anh đều rất coi trọng việc này.

4. Tạo ra cho mình một môi trường tiếng Anh

Một doanh nhân thành đạt người Tây Ban Nha đã học tiếng Anh bằng cách dán những mẩu giấy vàng khắp nơi trong nhà mình để đi tới đâu dù là xuống bếp pha một tách cà phê, vào nhà tắm cạo râu hay dùng điều khiển ti-vi để đổi kênh, anh đều nhìn thấy những từ ghi trên đó. Khi anh đã thuộc những từ này rồi, anh thay bằng những từ mới. Bằng cách này, ngày nào anh cũng học được khoảng 10 từ, cả 7 ngày trong tuần. Bạn hãy tranh thủ đọc, nghe và nói tiếng Anh ở mọi nơi, mọi lúc.

5. Hãy nối mạng

Một cô gái người ngoại thành Hà Nội. Cứ 3 lần một tuần, cô đi xe máy đến một nơi mà cô có thể nói tiếng Anh với những người bạn của mình tại Anh, Úc và Mỹ. Đó là một quán cà phê Internet có dịch vụ voice chat.

Internet đã mang đến nhiều lợi ích cho người học ngoại ngữ. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều website hữu dụng để học ngữ pháp, từ vựng, phát âm và bây giờ, quan trọng hơn cả là: giao tiếp.

6. Học từ vựng một cách có hệ thống

Xin bạn lưu ý rằng học tiếng Anh không chỉ đơn thuần là học ngữ pháp. Khi giao tiếp, bạn lựa chọn từ vựng, kết hợp chúng và tạo thành câu để biểu đạt ý kiến của mình. Khi học từ vựng, bạn hãy bố trí sổ ghi chép của mình sao cho hợp lý. Đừng liệt kê một dãy dài các từ, ngữ mới mà hãy chia sổ của bạn ra thành từng mục chẳng hạn:

Chủ đề: shopping, holidays, money vv…

Động từ và danh từ đi liền kề: do your homework, make a cake vv…

Động từ kép: to grow up, to fell off, to look after vv...

Ngữ cố định: on the other hand, in my opinion, by the way vv...

Thành ngữ: once in a blue moon, to be over the moon, out of the blue vv…

Ngữ có giới từ: at night, at the weekend, in March, in 2003 vv…..

7. Bạn hãy phấn khích lên

Bạn hãy khởi động và làm ngay những việc bạn có thể làm ngày hôm nay, đừng để đến ngày mai. Hồi còn ở London, tôi có một cô bạn người Thái Lan theo học nghành thiết kế thời trang. Cô ấy nói tiếng Anh rất siêu. Từ khi cô 15 tuổi, cô đã tự xác định mục đích và ước mơ của mình là học ngành thời trang ở London. Cô đã tìm hiểu mức điểm IELTS cần thiết để có thể vào trường mà cô mơ ước rồi bắt tay vào học tiếng Anh ngay lập tức. Đến năm 19 tuổi, nghĩa là đã đủ tuổi để được nhận vào học, thì cô đã sẵn sàng mọi thứ. Sự khởi đầu sớm của cô quả là khôn ngoan vì một năm sau, khi khoá học kết thúc, cô trở về Thái Lan thì lúc đó bạn bè cô vẫn đang cần mẫn học tiếng Anh chờ thời điểm đi nước ngoài. Bây giờ thì cô ấy đã là một người nói tiếng Anh thành thạo, có trình độ và thành đạt.

(Theo Vnexpress.net)

1 nhận xét:

englishnauhoang nói...

NH mến chào các bạn đến với AO của NH,
Hy vọng có thể chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh và những trải nghiệm những ngày lang thang trên net.

Đăng nhận xét

NH mến chào bạn, cám ơn sự đóng góp và chia sẻ của bạn.