Nhà xuất bản Anh Oxford University Press vừa công bố từ của
năm 2013 là từ “selfie” (hành động tự chụp ảnh chân dung bằng điện thoại di
động).
Theo hãng tin Fox News, nhà xuất bản của các cuốn từ điển Oxford
cho biết từ “selfie” trở nên đặc biệt phổ biến trong một năm qua với sự bùng nổ
của điện thoại thông minh và các mạng xã hội đăng tải hình ảnh như Instagram
hay Twitter.
Cứ mỗi năm các nhà nghiên cứu của NXB Oxford University Press
lại bình chọn một từ tiếng Anh nổi bật trong năm. Các từ từng được bầu chọn là
từ của năm gồm có “unfriend” (bỏ kết bạn trên Facebook) vào năm 2009, “credit
crunch” (suy thoái tín dụng) năm 2008 hay “carbon footprint” (dấu chân carbon)
năm 2007…
Bà Judy Pearsall, giám đốc Oxford Dictionaries, cho biết từ “selfie”
lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2002 trên một trang diễn đàn ở Úc. Tuy nhiên từ
này chỉ bắt đầu trở nên phổ biến từ năm 2012. Thông thường Oxford chọn từ của năm cho Mỹ và Anh riêng,
nhưng từ “selfie” được đánh giá là mang tính phổ cập toàn cầu.
Để được bình chọn là từ của năm, “selfie” đã đánh bại từ các
“twerk” (kiểu nhảy kích dục do nữ ca sĩ trẻ Miley Cyrus thường biểu diễn),
“showromming” (ra cửa hàng khảo giá sản phẩm rồi lên mạng mua với giá rẻ hơn)
hay “bitcoin” (đồng tiền ảo)…
Từ “selfie” đã được đưa vào từ điển Oxford từ tháng 8-2013.
(Nguồn báo tuổi trẻ)
Khi điểm lại những sự kiện đáng chú ý của năm 2013, có lẽ người ta khó có thể bỏ qua sự phát triển vũ bão của phong trào “selfie”: tự chụp chân dung bằng điện thoại di động, máy tính bảng, webcam rồi đưa lên mạng xã hội (cư dân mạng Việt còn gọi hành động này là “tự sướng”).
QUẾ VIÊN (Copenhagen
Nói về selfie .
Khi điểm lại những sự kiện đáng chú ý của năm 2013, có lẽ người ta khó có thể bỏ qua sự phát triển vũ bão của phong trào “selfie”: tự chụp chân dung bằng điện thoại di động, máy tính bảng, webcam rồi đưa lên mạng xã hội (cư dân mạng Việt còn gọi hành động này là “tự sướng”).
1. Trào lưu này
không chỉ thu hút những người trẻ tuổi - những người dùng smart phone
nhiều nhất, tích cực nhất trong kết nối mạng xã hội - mà còn mau chóng
lan tới những thành phần khác. Điển hình như trong lễ truy điệu cựu tổng
thống Nam Phi Nelson Mandela, Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning -
Schmidt đã vui vẻ “selfie” với Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống
Barack Obama.
Và cho dù bà Thorning-Schmidt không đưa tấm ảnh này lên
mạng nhưng hành động trên trong một buổi lễ trang nghiêm vẫn bị dư luận
Đan Mạch phản ứng mạnh. Tấm ảnh ghi lại sự kiện này còn được những tờ
báo lớn của Đan Mạch như Berlingske, Politiken, đưa vào danh sách “Những
tấm ảnh của năm”!
Theo các chuyên gia biên soạn từ điển Oxford thì từ
“selfie” xuất hiện lần đầu ngày 13-9-2002 trên diễn đàn của báo mạng Úc
ABC. Nay “selfie” không chỉ được đưa vào từ điển Oxford vào tháng 8-2013
mà còn được chọn là “Từ của năm 2013” (1). Tần suất xuất hiện của
“selfie” đã tăng từ dưới 500 lần trong 1 tỉ từ (tiếng Anh) được dùng
trong tháng 1-2013 lên tới hơn 5.000 lần trong tháng 10-2013.
Thống kê của Tech Today (Mỹ) cho thấy chỉ trong một
tuần của tháng 10-2013, từ “selfie” được dùng 368.000 lần trên Facebook,
150.000 lần trên Twitter. Còn trên Instagram, có 150 triệu người kết
nối thì tới 27-12 đã có 65.294.238 tấm ảnh “tự sướng”.
Khảo sát của YouGov tại Đan Mạch - quốc gia có tỉ lệ
người kết nối mạng xã hội cao nhất trong khối Scandinavia, thì 28% người
Đan Mạch trên 18 tuổi có ít nhất một lần chụp ảnh “selfie” rồi đưa lên
SMS, chat hay một mạng xã hội nào đó trong năm 2013 (2).
2. Tuy nhiên
“selfie” không hoàn toàn để chơi cho vui hay ghi lại một kỷ niệm, sự
kiện nào đó trong cuộc sống. Nói như nhiều người trẻ thì đó là một cách
để khẳng định cái “tôi” của mình hay thể hiện cá tính qua những tấm ảnh
tự dàn dựng và tự chụp. Và đằng sau lại có những nguyên nhân xã hội sâu
xa hơn.
Theo nhà tương lai học Anne Skare Nielsen của Công ty
Future Navigator (Đan Mạch), đây là một cách để nhiều người tìm sự chia
sẻ, hầu thoát khỏi cảm giác cô đơn trong một xã hội phát triển. Khảo sát
của Ramboll thực hiện cho báo Jyllands-Posten năm 2012 cho thấy hơn 1/4
người Đan Mạch được hỏi cho biết họ cảm thấy cô đơn.
Theo bà Nielsen, hiện nay người ta không còn dễ dàng
thỏa mãn với một bộ quần áo mới hay một cái xe hơi mới nữa. Thay vào đó,
họ muốn được người khác nhìn nhận sự hiện hữu của mình và đây là một
nhu cầu có thực.
Mặt khác, không ít người xem “selfie” như một công cụ
hữu hiệu để tìm kiếm sự nổi tiếng. Thí dụ như ngôi sao đang lên của Đan
Mạch Benjamin Lasnier, 14 tuổi, với hơn 1,4 triệu người theo dõi trên
Facebook, hơn 1,1 triệu trên Instagram, một nhãn hiệu thời trang riêng
B&L, một hợp đồng ghi âm được ký với Sony (dù tài ca hát mới chỉ
được thể hiện qua vài clip hát nhép trên YouTube).
“Hiện tượng Benzi” (3), như cách gọi của The Guardian
(Anh), bắt đầu cách đây gần hai năm khi cậu bé 12 tuổi đưa lên Instagram
những tấm ảnh tự chụp đầu tiên. Hình ảnh hồn nhiên của cậu học sinh
tỉnh nhỏ, tóc vàng, mắt xanh được nhiều người ưa thích. Dần dà Benjamin
thành thạo hơn trong việc tạo dáng trước ống kính và biết khai thác lợi
thế ngoại hình tương tự Justin Bieber.
Công bằng mà nói những tấm ảnh Benjamin đưa lên mạng
đều nghiêm chỉnh và cậu làm việc rất khoa học. Với khoảng 12 tấm ảnh
được đưa lên mạng mỗi ngày theo nhiều đợt để người hâm mộ trên khắp thế
giới tiện theo dõi, tới cuối tháng 8-2013 Benzi đã có hơn 2.200 tấm ảnh
trên Instagram, trung bình mỗi tấm nhận được 62.000 “like”.
Nhiều nhãn hàng nhanh chóng nhảy vào khai thác ngôi sao
của Instagram, còn Benjamin thì ôm mộng dùng sự nổi tiếng hiện nay để
thực hiện giấc mơ thành ca sĩ. Tất nhiên những lượt “like” không thể tạo
ra tài năng nhưng cho dù Benzi không thành công trong sự nghiệp ca hát
thì Sony vẫn có lợi như thường. Hợp đồng ghi âm ký với cậu chuyển tải
thông điệp Sony luôn bắt kịp xu hướng của thời đại và thấu hiểu khách
hàng ở mọi lứa tuổi.
3. Tuy vậy,
những trường hợp thành công (dù nhất thời) nhờ “selfie” như Benjamin
Lasnier hẳn là rất ít so với những hệ lụy mà nó có thể đưa lại cho chủ
nhân. Hẳn không ít người, nhất là những người trẻ, cảm thấy hụt hẫng khi
những tấm ảnh ưng ý của mình lại không nhận được nhiều “like” hay gặp
phải những bình luận ác ý.
Đó là chưa kể nguy cơ bị kẻ xấu lạm dụng vì một khi đã
được đưa lên mạng thì chủ nhân của nó đã mất đi quyền kiểm soát hình ảnh
của chính mình, lại còn những hậu quả khôn lường khi khoe thân hay làm
những trò quái dị nhằm thu hút sự chú ý.
Đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam,
khi sự chênh lệch giàu nghèo cao (theo Bộ LĐ-TB&XH là 9,4 lần trong
năm 2012) và có sự khác biệt rất lớn giữa mức sống thành thị và vùng
sâu, vùng xa, thì smart phone, tablet... không chỉ là công cụ mà còn là
phương tiện thể hiện đẳng cấp của người sở hữu.
Do vậy, chuyện được nhiều người biết đến trên mạng xã
hội có sức hấp dẫn cực lớn, thế nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ngày
càng có nhiều trò phản cảm trong những bức ảnh “tự sướng” trên mạng.
Tất nhiên ước mong được chia sẻ, trở nên nổi tiếng hoặc
thỏa mãn cái “tôi” trong phạm vi của pháp luật thì chẳng có gì sai. Vấn
đề là cũng như Facebook, ảnh “selfie” cũng là một con dao hai lưỡi mà
người dùng nếu không cẩn thận sẽ có ngày bị đứt tay. Một dòng nhận xét,
cảm nhận trên mạng có thể được diễn dịch theo những cách khác nhau nhưng
hình ảnh thì tự thân nó luôn nói lên tất cả và trí nhớ số thì vô hạn!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
NH mến chào bạn, cám ơn sự đóng góp và chia sẻ của bạn.